V&T JOINT STOCK COMPANY. YOUR RELIABLE AND ACTIVE PARTNER IN VIETNAM
Trong khu vực ASEAN, một số nước như Thái Lan, Singapore… đã giảm được chi phí logistics, trong khi chi phí của Việt Nam vẫn ở mức cao, một rào cản đối với năng lực cạnh tranh. Liệu doanh nghiệp Việt Nam rút ra được những bài học gì từ người Thái?
Chi phí vận tải chiếm một nửa!
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí logistics (vận tải, lưu kho, làm thủ tục hải quan…) ở Việt Nam bằng khoảng 20,9-25% GDP. Mức chi phí này cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12%, còn so với Singapore thì cao hơn tới 3 lần. Chi phí logistics quá cao đang là thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại hội nhập và làm sao giảm chi luôn là vấn đề nóng! Cuối tuần qua, khoa Quản lý công nghiệp trường Đại học Bách Khoa TPHCM đã tổ chức bàn tròn chủ đề “Chi phí logistics – thách thức cho hội nhập của Việt Nam”, thu hút khá đông doanh nghiệp tham dự.
Ông Nguyễn Công Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Yusen logistics Việt Nam, cho biết trong tổng số chi phí của chuỗi cung ứng, riêng chi phí vận tải chiếm đến 50%, kho bãi chiếm 30%. Nguyên nhân được cho là do đường sá chưa tốt, việc quy hoạch cảng chưa hợp lý. Đơn cử như TPHCM, việc dồn toàn bộ vào cảng Cát Lái dẫn đến kẹt xe thường xuyên làm gia tăng chi phí vận tải. Ngoài ra, các chi phí không chính thức khi đi trên đường cũng góp phần đẩy chi phí vận tải tăng cao.
Về phía doanh nghiệp, nhiều công ty lập kế hoạch cân đối giữa lượng hàng và lượng xe chưa tốt, không tối ưu được tuyến vận chuyển nên để tình trạng chạy xe rỗng, tốn chi phí. Hiện tại, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa giám sát được đội xe bằng công nghệ, ví dụ cách mà các doanh nghiệp thường áp dụng hiện nay là liên tục gọi điện để kiểm tra đội ngũ lái xe đã lấy hàng chưa. Theo ông Hoàng, nếu đội xe được lắp đặt giám sát hành trình thì có thể theo dõi dễ dàng hoạt động của từng chiếc xe trong quy trình công việc và giảm được chi phí điện thoại cho lái xe.
Từng trực tiếp giao hàng đi Úc, ông Lê Đức Dương, phụ trách mảng logistics của một tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam, kể lại: ở Úc, người lái xe đi nhận hàng từ nhà máy lúc 5 giờ sáng, sau đó mang đến các đại lý và chỉ cần để hàng vào kệ trước cửa rồi đi giao tiếp. Mọi hàng hóa đều được kiểm kê sẵn, còn hóa đơn chứng từ cũng được thực hiện điện tử. Ở Việt Nam, xe đi giao hàng phải kèm theo nhân viên giao hàng và nhân viên làm giấy tờ nên làm phát sinh thêm chi phí về lao động.
Học theo người Thái
Cuộc bàn tròn cũng có sự trao đổi về cách doanh nghiệp Thái Lan giảm chi phí logistics. Ông Huỳnh Trung Lương, Giảng viên Học viện Công nghệ châu Á tại Thái Lan, cho biết ở Thái Lan, mỗi khi doanh nghiệp đi giao hàng từ nhà máy đến các trung tâm phân phối, họ phải lập kế hoạch trước đó một ngày xem phải điều động bao nhiêu xe, lộ trình đi ra sao cho gần nhất, chứ không để người đi giao hàng muốn đi thế nào thì đi. Tất cả những việc này được lên kế hoạch rất chi tiết và nhờ sự hỗ trợ của công nghệ. “Với cách làm như vậy, doanh nghiệp giảm được 30% chi phí so với cách làm dựa vào kinh nghiệm như trước kia. Còn doanh nghiệp Việt Nam ,phần lớn chưa quan tâm lắm đến việc giảm chi phí vận tải, thậm chí nhiều doanh nghiệp cho rằng cứ đi thuê ngoài là xong. Khi thuê ngoài nếu doanh nghiệp vận tải có dịch vụ tốt thì thuê được giá hợp lý, còn nếu thuê doanh nghiệp dịch vụ không tốt thì giá sẽ đội lên cao” ông Lương chỉ ra.
Chia sẻ về cách mà các tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam giảm chi phí logistics, ông Lê Đức Dương cho biết những doanh nghiệp nước ngoài chấp nhận đầu tư một khoản chi phí lớn cho công nghệ để đồng bộ cả chuỗi. Nếu nhìn trên biểu đồ, chi phí đầu tư ban đầu đi lên rất cao nhưng ngược lại chi phí vận hành cho cả chuỗi lại giảm xuống. Trong những năm tới, công nghệ sẽ là xu hướng tất yếu trong phục vụ ngành logistics.
Với những gì mà Thái Lan đã áp dụng thành công, ông Hoàng Trung Lương cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam nên học hỏi cách làm của người Thái. Đầu tiên, doanh nghiệp nên ứng dụng công nghệ trong quản lý và vận hành kho bãi. “Các doanh nghiệp Việt Nam cứ nghĩ đầu tư công nghệ là tốn tiền. Ở Thái Lan có những công nghệ tốn rất ít tiền. Có những doanh nghiệp quy mô lớn nhưng chi phí đầu tư công nghệ khoảng 10.000 đô la Mỹ vẫn mang lại hiệu quả khá cao. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần xác định quy mô đầu tư đến đâu cho phù hợp với từng công nghệ” ông gợi ý. Theo ông Lương, đầu tư công nghệ cho kho bãi là khó nhất vì cách vận hành các kho cho mỗi mặt hàng khác nhau nên quá trình tìm công nghệ vận hành sẽ mất nhiều thời gian hơn. Còn ứng dụng công nghệ cho khâu vận tải sẽ nhanh hơn vì quy trình đã có một mẫu số chung nên dễ dàng hơn.
Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Hoàng cho rằng giá thành công nghệ ngày càng giảm, giá lao động ngày càng tăng. Nhìn trên biểu đồ, hai đường này chưa gặp nhau nhưng trong tương lai chúng sẽ gặp nhau, khi đó, doanh nghiệp sẽ thấy đầu tư cho công nghệ mang lại lợi ích nhiều hơn.
Đương nhiên là không phủ nhận vai trò của công nghệ, nhưng theo một số doanh nghiệp, nguồn lực con người mới là vấn đề cốt lõi. Doanh nghiệp có cả nguồn lực con người tốt lẫn sự hỗ trợ của công nghệ thì việc giảm chi phí sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, việc giảm được chi phí logistics ngang bằng với các nước trong khu vực Đông Nam Á còn phụ thuộc vào các chính sách của Nhà nước, như phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, giảm thủ tục hành chính đối với xuất nhập khẩu hàng hóa.
Khi cả hai phía cùng thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mới kỳ vọng mức giảm chi phí về ngang bằng với các nước trong khu vực.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ với chúng tôi :
Gọi 24/7
+84 903.251.406Giải đáp miễn phí
tho.vttrans@gmail.com